Header Ads Widget

Diệt muỗi hiệu quả để phòng sốt xuất huyết triệt để

Hiện nay, trên cả nước dịch sốt xuất huyết đang có sự bùng phát mạnh mẽ và muỗi là loại côn trùng có khả năng khiến bệnh lây lan nhanh chóng. Nếu không muốn bị sốt xuất huyết “ghé thăm” thì ngoài việc tìm hiểu các kiến thức về căn bệnh này và chủ động phòng tránh thì còn cần phải có biện pháp tiêu diệt muỗi triệt để, xóa sổ những nơi cư trú của muỗi.

1. Con đường lây lan của bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh lý do virus Dengue gây nên, căn bệnh này có thể lây lan nhanh chóng nếu như bị muỗi nhiễm bệnh đốt. Bệnh sốt xuất huyết Dengue có thể xảy ra quanh năm và có sự gia tăng mạnh vào mùa mưa. Bất kỳ đối tượng nào, kể cả trẻ em và người lớn đều có nguy cơ nhiễm bệnh.

Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết Dengue rất đa dạng, tùy vào từng trường hợp cụ thể, bệnh diễn tiến nhanh và có thể gây ra biến chứng sốc, xuất huyết, suy đa tạng và khiến người bệnh tử vong nhanh chóng.

Cho đến thời điểm hiện tại, trên thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc có thể đặc trị bệnh sốt xuất huyết, do vậy, công tác phòng chống sốt xuất huyết Dengue cần được xem trọng.

2. Phòng chống sốt xuất huyết bằng cách nào?

Muỗi đốt là con đường lây lan sốt xuất huyết Dengue nhanh nhất, để công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết mang lại hiệu quả thì trước tiên cần phải có chiến lược tiêu diệt muỗi cụ thể, không chỉ tập trung tại tụ điểm có dịch mà ngay cả những khu vực lân cận cũng cần triển khai, đồng thời đẩy mạnh thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, tiêu diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi tại các ổ dịch và những nơi có nguy cơ.

Ngoài ra, tổ chức các buổi tuyên truyền nội dung phòng chống sốt xuất huyết, tiêu diệt muỗi vằn, tăng cường kiểm tra, giám sát và đôn đốc về công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng.

3. Cách tiêu diệt muỗi triệt để

Muỗi là loại côn trùng sống ở những nơi tối tăm, ẩm thấp, do vậy suy nghĩ muỗi có thể truyền bệnh chỉ xuất hiện ở những nơi ao tù, nước đọng là hoàn toàn sai lầm, chính điều này có thể khiến việc tiêu diệt muỗi thất bại. Thực tế, muỗi vằn có thể cư trú ở bất cứ đâu như bể nước, bình cắm hoa có nước, nước trên ban thờ, hòn non bộ, nước mưa, tủ quần áo, góc bếp, góc nhà... Do vậy để tiêu diệt muỗi thì cần phải chú ý thay nước thường xuyên, dọn rửa đồ vật trong nhà và tuyệt đối không được lưu trữ nước.

Ngoài ra, có thể tiến hành phun thuốc diệt muỗi, phải phun ở tất cả các ngóc ngách trong nhà để tránh tình trạng muỗi di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác.

Thời điểm phun thuốc diệt muỗi tốt nhất là vào sáng sớm hoặc chiều tối vì khi ấy chúng hoạt động mạnh mẽ nhất. Một điều cần lưu ý khi phun thuốc diệt muỗi trong ổ dịch là cần phải tiến hành phun tổng thể, đồng loạt mới có thể mang lại tác dụng triệt để.

Để phòng dịch sốt xuất huyết thì mỗi người cần chủ động thực hiện các biện pháp như:

- Nên ngủ trong màn và mặc quần áo dài tay.

- Bảo vệ cẩn thận cho người đang bị sốt xuất huyết, tránh để muỗi đốt vì sẽ lây mầm bệnh sang người khác.

- Thực hiện tiêu diệt muỗi, bọ gậy bằng mọi biện pháp.

- Dùng nắp đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không đẻ trứng được.

- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ và các dụng cụ chứa nước hàng tuần.

- Tiêu hủy các vật dụng phế thải như chai, lọ, mảnh vỡ, lốp xe, hốc tre...

4. Các loại thuốc diệt muỗi

Các sản phẩm thuốc diệt côn trùng hiện nay gồm ba nhóm:

- Nhóm có gốc clo hữu cơ

- Nhóm có gốc phốt pho hữu cơ

- Nhóm có gốc Pyrethrine

Thuốc phun diệt muỗi hiện nay được Bộ Y tế cấp phép sử dụng là nhóm Pyrethrine - thuốc thuộc thế hệ mới và đã qua thử nghiệm ở cả 3 miền của Việt Nam cho kết quả an toàn. Hiện các nước trên Thế giới cũng đang sử dụng loại thuốc này.

Thuốc xịt muỗi nhóm 1 và 2 đã bị cấm sử dụng do độc hại. Người dùng có thể bị nhiễm độc nếu không mang khẩu trang, bị dị ứng da, chảy nước mắt, ngứa, hắt hơi, khó thở.

5. Kỹ thuật phun thuốc diệt muỗi

Phun thuốc xịt muỗi là phun với một lượng hóa chất cực nhỏ dưới dạng phun sương nhưng có hiệu quả tối đa. Chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất sẽ khuếch tán trong không gian, nên không lo ngại việc thuốc ảnh hưởng tới sức khỏe.

Vài giờ sau khi phun lượng hóa chất khuếch tán hết trong không gian nên thuốc phun chỉ diệt được muỗi vằn trưởng thành nhiễm vi rút truyền bệnh sốt xuất huyết ở thời điểm phun, chứ không duy trì được lâu dài, mãi mãi. Chính vì vậy, khi lượng hóa chất đã hết trong không khí, nếu môi trường xung quanh hoặc ở các hộ dân khác vẫn tồn tại muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết thì muỗi này vẫn có thể tiếp tục bay vào nhà, đốt người. Và như vậy, nguy cơ mắc sốt xuất huyết vẫn có thể xảy ra.

Trong quá trình phun thuốc diệt muỗi, nếu phun không đúng liều lượng, không đúng quy trình sẽ không diệt được muỗi. Hơn nữa, nguy cơ muỗi bị nhờn thuốc, kháng thuốc, người dùng bị dị ứng thuốc phun muỗi do không rõ cách sử dụng hoàn toàn có thể xảy ra.

Không tự ý mua thuốc phun muỗi về pha và phun cho nhà mình vì nếu người dân dùng thuốc tùy tiện, không đúng liều lượng, dùng trong một thời gian quá dài... sẽ dẫn tới tình trạng côn trùng kháng thuốc, đồng thời còn ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe của gia đình.

Nếu có dịch thì phải phun hóa chất 2 lần cách nhau 7-10 ngày để tiêu diệt muỗi, hóa chất không tồn lưu nên sau phun một tuần sẽ có hiện tượng muỗi trong nhà.

Phun hóa chất tiêu diệt muỗi chỉ có tính thời điểm để dập dịch sốt xuất huyết, là biện pháp ngắn hạn cần thiết. Quan trọng nhất vẫn là tìm diệt các ổ bọ gậy, nơi loăng quăng tồn tại, việc phòng chống bệnh mới bền vững

6. Những lưu ý khi phun thuốc xịt muỗi

Các gia đình có nhu cầu phun thuốc nên đến các Trung tâm Y tế, Trạm Y tế phường hoặc gọi điện thoại đến đường dây nóng của Sở Y tế để được tư vấn đầy đủ. Thông thường, các loại thuốc diệt muỗi không có mùi hoặc có mùi hắc nhẹ. Vì vậy, để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như đảm bảo hiệu quả của việc phun thuốc diệt muỗi, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

- Trước khi phun thuốc diệt muỗi: Chủ động mở tất cả các cửa ra vào, kể cả cửa sổ để không khí lưu thông. Che đậy kỹ càng thực phẩm, đậy kín các dụng cụ chứa nước, dọn dẹp gọn gàng đồ dùng. Di chuyển vật nuôi ra khỏi nơi phun thuốc.

- Trong khi phun thuốc: Tạm rời khỏi nhà và khu vực phun thuốc ít nhất 30 phút để thuốc khô và tránh hít phải hơi thuốc. Tuyệt đối không đi theo sau nhân viên phun thuốc. Đối với trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh lý nền như huyết áp, tim mạch nên ở ngoài từ 1 - 2 giờ rồi mới vào nhà.

- Sau khi phun thuốc: Lau dọn lại nhà cửa, đồ dùng nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối, các sinh hoạt sau đó diễn ra bình thường.

Nên phun hóa chất vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hoạt động mạnh vào lúc sáng sớm và chiều tối. Phun hóa chất diệt muỗi có hiệu quả cao nhất khi chúng ta phun vào những thời điểm trên với điều kiện thời tiết không mưa, ít gió. Tuy nhiên, để phù hợp với thời gian sinh hoạt của hộ gia đình và yêu cầu cấp bách của việc phòng chống dịch, ngành y tế có thể phun hóa chất trong những khoảng thời gian dài hơn.

Bên cạnh đó, nếu chỉ phun thuốc diệt muỗi ở phạm vi một gia đình trong khi hàng xóm không xịt thuốc thì tác dụng sẽ rất ít. Chỉ trong thời gian ngắn sau khi phun xịt thuốc, muỗi từ bên ngoài lại bay vào nhà.

Nguồn: DietMoiTanGoc.net